Lòng trắc ẩn là gì? Lòng trắc ẩn hay còn được gọi là lòng vị tha, từ bi, thương cảm. Trong cuộc sống hằng ngày, lòng trắc ẩn luôn hiện diện ở xung quanh chúng ta thông qua những hoạt động đời sống sinh hoạt hằng ngày. Nó không chỉ giúp con người xích lại gần nhau hơn mà đặc biệt đối với những trẻ được giáo dục lòng trắc ẩn từ sớm, kỹ năng xã hội trẻ còn có thể được phát triển tốt hơn. Mời quý phụ huynh cùng Trung tâm Anh Ngữ Cần Thơ Milestones tìm hiểu khái niệm, tầm quan trọng và phương pháp giáo dục lòng trắc ẩn ở bài viết dưới đây.
Lòng trắc ẩn được hiểu đơn giản là một trạng thái cảm xúc của con người khi họ đồng cảm được với nỗi đau của người khác, từ đó họ có mong muốn được làm một điều gì đó để an ủi người khác. Lòng trắc ẩn được coi biểu hiện của sự tử tế ở con người, giúp cho mọi người thêm gần nhau hơn. Qua đó, con người không chỉ cảm thấy mình tốt hơn mà còn có thái độ sống lạc quan hơn, thoải mái hơn, làm cho cuộc sống trở nên tươi đẹp hơn.
Theo Wikipedia, lòng trắc ẩn hay lòng thương cảm hay lòng từ bi thúc đẩy mọi người vượt qua giới hạn của bản thân để giúp đỡ những nỗi đau về thể xác, tinh thần hoặc cảm xúc của người khác và chính họ. Lòng trắc ẩn thường được coi là có sự nhạy cảm, một khía cạnh cảm xúc đối với sự đau khổ.
Vì vậy, đối với trẻ em nên được giáo dục lòng trắc ẩn từ sớm để trẻ có thể phát triển toàn diện về mặt thể chất lẫn tinh thần. Khi đời sống tinh thần của trẻ phong phú, trẻ mới tự tin để thể hiện được cá tính và tài năng của mình.
Vì sao lòng trắc ẩn lại đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống? Trường hợp gì sẽ xảy ra nếu lòng trắc ẩn biến mất khỏi thế giới? Chắc có lẽ, con người sẽ trở nên vô cảm, chỉ quan tâm đến bản thân mình và không quan tâm đến người khác. Vậy nên lòng trắc ẩn đóng vai trò giống như một cầu nối, giúp kết nối con người với nhau và đưa xã hội ngày một văn minh và phát triển. Bên cạnh đó, lòng trắc ẩn không chỉ tồn tại giữa con người với con người mà còn giữa con người và động vật, đồ vật,…
Lòng trắc ẩn thường được thể hiện ở hai trường hợp chính, phụ thuộc vào tình huống mà những cảm xúc hướng đến:
Lòng trắc ẩn với người khác: Trong trường hợp này, chúng ta có khả năng đồng cảm và hiểu được nỗi đau, khó khăn hay trăn trở của người khác. Chúng ta không chỉ đơn thuần nhận biết, mà còn muốn hành động để giúp họ vượt qua tình huống khó khăn. Điều này có thể bao gồm việc lắng nghe, tư vấn, đồng cảm và hỗ trợ để giúp người khác trở nên tốt hơn.
Lòng trắc ẩn với bản thân: Trái ngược với trạng thái trên, lúc này chúng ta tự thể hiện lòng trắc ẩn với chính bản thân mình. Thay vì tự trách mình hoặc dằn vặt vì những sai lầm, chúng ta thấu hiểu và chấp nhận những khuyết điểm, thiếu sót của mình. Chúng ta không tự đánh giá mình quá khắt khe, mà thay vào đó, xem những trở ngại và thất bại là cơ hội học hỏi và phát triển.
Trẻ em là những vị chủ nhân tương lai của đất nước, do đó, việc hình thành nhân cách từ sớm cho trẻ là một việc làm thiết yếu.
Trẻ có lòng trắc ẩn thường có xu hướng hạnh phúc và vui vẻ, dễ hài lòng với cuộc sống hơn. Trẻ có động lực học tập; các mối quan hệ và sức khỏe thể chất cũng phát triển toàn diện hơn.
Đồng thời, trẻ sẽ hồn nhiên, vô tư, ít lo lắng và trầm cảm hơn. Khi đối diện với một vấn đề nào đó, bài toán khó hay không biết cách phát âm từ tiếng Anh chuẩn như thế nào,… Trẻ có lòng trắc ẩn thường sẽ nhẫn nại và bình tĩnh nhìn nhận vấn đề, từ đó tự rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề cho riêng mình mà không có nhiều sự lúng túng, lo lắng hay bực dọc.
Quý phụ huynh không nên thờ ơ với việc giáo dục nhân cách từ sớm cho trẻ. Có nhiều cha mẹ lầm tưởng rằng lòng trắc ẩn sẽ khiến cho con của họ trở nên yếu đuối và dễ mềm lòng hơn nhưng sự thật không phải vậy! Lòng trắc ẩn sẽ là nguồn sức mạnh nội tâm thôi thúc lòng dũng cảm cũng như khả năng đối phó của trẻ đối với những tình huống khó khăn, những vấn đề phức tạp.
Giáo dục lòng trắc ẩn cho trẻ từ sớm là một phương pháp quan trọng nhằm phát triển nhân cách toàn diện. Bằng cách khuyến khích trẻ nhỏ tìm hiểu về bản thân, nhận biết và thể hiện cảm xúc và xây dựng mối quan hệ tốt với người khác, chúng ta giúp trẻ phát triển một tư duy tự tin, sáng tạo và đồng thời xây dựng những giá trị cốt lõi về lòng trắc ẩn, trở thành một công dân tốt có ích cho gia đình và xã hội.
Nhằm giúp trẻ sau khi trưởng thành sẽ trở thành một người có tấm lòng vị tha, nhân cách tử tế, đàng hoàng, quý phụ huynh có thể tham khảo cách rèn luyện dưới đây để dạy trẻ về lòng trắc ẩn!
Thông qua những hoạt động hằng ngày tại nhà và tại trường, các bậc cha mẹ và thầy cô có thể tạo điều kiện cho trẻ được nói ra những cảm nhận của mình, gọi tên cảm xúc. Hãy đặt những câu hỏi như “hôm nay con cảm thấy thế nào?”, “các hoạt động vui chơi này có làm các con vui không”, … Trước khi để trẻ thấu hiểu cảm xúc của người khác, cha mẹ và thầy cô cũng cần phải làm cho con trẻ nhận ra được cảm xúc của chính mình, từ đó làm nền tảng để trẻ có thể hình dung và đồng cảm với người khác.
Không chỉ giáo dục cho trẻ về lòng trắc ẩn giữa người với người, cha mẹ và thầy cô còn cần hướng dẫn và xây dựng cho trẻ thương cảm với các loài động vật, sự vật,… “Con có thương em cún không?”, “em Miu bị đau chân đấy, con nhớ nhẹ nhàng với em nha”,…
Việc liên tục đặt ra câu hỏi và nhắc nhở con trẻ về cảm xúc của những loài vật, sự vật xung quanh sẽ giúp bé ghi nhớ và dần hình thành nhân cách từ bi cho trẻ. Và với độ tuổi tăng dần, mức độ khó của câu hỏi cũng nên tăng dần theo, ví dụ như “tại sao con lại cảm thấy như thế”,… Cách dạy này sẽ giúp trẻ nói ra được cảm nhận của bản thân, biết được cảm xúc thật sự đang hiện diện trong trẻ.
Ngoài ra, những trang sách, hình ảnh và con chữ cũng sẽ là công cụ hữu ích được nhiều chuyên gia khuyến khích cha mẹ, thầy cô nên sử dụng trong việc xây dựng và giáo dục nhân cách, lòng trắc ẩn cho trẻ. Thông qua những câu chuyện, cha mẹ có thể rèn luyện cho trẻ dự đoán được cảm xúc, biết đặt mình vào vị trí của người khác để cảm nhận và chia sẻ.
Chỉ cần một cái ôm, một nụ hôn hay rủ bạn bè cùng tham gia trò chơi,… đây đều là những hành động nhỏ thể hiện được lòng trắc ẩn ở trẻ. Mọi hành động hướng đến việc chia sẻ cảm xúc với người khác của trẻ đều là biểu hiện cho lòng trắc ẩn.
Phụ huynh có thể hướng dẫn trẻ thực hiện những hành động đơn giản như giúp đỡ người lớn tuổi sang đường, nhường ghế ngồi xe buýt cho người khuyết tật, lớn tuổi, có thai,… Những hành động nhân văn nhỏ nhặt nhất nên được giáo dục và khuyến khích trẻ thực hiện.
Những cảm xúc lúc thực hiện hành động sẽ tạo nên cho trẻ sự đồng cảm, thấu hiểu được niềm vui, nỗi buồn của con người, loài vật, sự vật xung quanh. Rèn luyện lòng trắc ẩn từ những việc nhỏ nhặt nhất sẽ xây dựng lên một người công dân tốt, có ích và có tài.
Nguồn bài viết: Sưu tầm